Quảng Ninh tăng cường tuyên truyền phòng, chống IUU (06-11-2024)

Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài, với trên 6.000km2 diện tích mặt biển. Lao động thủy sản chiếm số lượng đáng kể. Để tăng hiệu quả công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật đến người dân.
Quảng Ninh tăng cường tuyên truyền phòng, chống IUU
Ảnh minh họa

Cụ thể, tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 32-CT/TW (ngày 10/4/2024) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP (ngày 22/4/2024) của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Kế hoạch số 421-KH/TU (ngày 12/6/2024) của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Luật Thủy sản; Chỉ thị số 18-CT/TU (ngày 1/9/2017) của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gắn với công tác chống khai thác IUU...

Hình thức tuyên truyền đa dạng, gắn với tình hình thực tế các địa phương. Cụ thể, tuyên truyền thông qua các buổi họp khu dân cư vào ngày 1 hay 15 âm lịch hàng tháng bởi đây là thời điểm ngư dân hay trở về gia đình. Tuyên truyền thông qua các đợt kiểm tra trực tiếp trên tàu, thuyền của ngư dân, tuyên truyền tại nơi neo đậu... Trong 9 tháng năm 2024, các lực lượng chức năng, UBND các địa phương trong tỉnh đã tổ chức gần 200 cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản trực tiếp cho gần 9.000 lượt ngư dân; cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi, tài liệu quy định về chống khai thác IUU, bản đồ phân vùng, phân tuyến, nhật ký khai thác…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội cũng được đẩy mạnh. 9 tháng năm 2024 đã có gần 300 tin, bài, ảnh chuyên đề được sản xuất, phát sóng trên phương tiện thông tin đại chúng, hàng nghìn lượt phát thanh trên hệ thống loa phát thanh ở khu dân cư; nội dung tập trung về quy định chống khai thác IUU, phân vùng phân tuyến, quy định của các nghị định, thông tư mới ban hành, quy định phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn… Hằng ngày, ngư dân đều được nghe, cập nhật thông tin về các chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp nên đã hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành.

Hiện toàn tỉnh có 5.556 tàu cá, trong đó 1.309 tàu có chiều dài dưới 6m thuộc UBND cấp xã thống kê, quản lý, 3.517 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m thuộc UBND cấp huyện quản lý và 730 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên thuộc UBND tỉnh quản lý. Các địa phương thường xuyên rà soát các phương tiện, nắm bắt số lượng lao động làm việc trên các tàu, từ đó có các phương án tuyên truyền phù hợp. Tích cực lồng ghép tuyên truyền trong các đợt thanh, kiểm tra. 9 tháng năm 2024, các ban, ngành, địa phương đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 350 trường hợp vi phạm khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo quy định.

Mặt khác, các cơ quan chức năng, địa phương tích cực vận động người dân đăng ký hoạt động khai thác thủy sản, lắp thiết bị giám sát hành trình. Đến hết tháng 9/2024, trong 3.517 tàu cấp huyện quản lý thì có 2.629 tàu được đăng ký chính thức, 888 tàu đăng ký tạm để quản lý; qua đó đã cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với 3.371 tàu. 473 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m do cấp tỉnh quản lý có 468 tàu được đăng ký chính thức, 5 tàu đăng ký tạm; qua đó đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 443 tàu, đã đăng kiểm 468 tàu. Còn 257 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên do cấp tỉnh quản lý đến nay đều đã đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, chứng nhận an toàn thực phẩm, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định.

Việc quản lý tàu cá ra vào cảng cũng được kiểm soát chặt chẽ. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận và làm thủ tục khai báo cho 6.078 lượt tàu cập, rời cảng; thu, phát 7.337 nhật ký, báo cáo khai thác. Hằng tuần, các đơn vị chức năng đều lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU và mất kết nối ngoài khơi trên 10 ngày gửi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, UBND địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố ven biển để nắm bắt, phối hợp, kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định; tích cực tiếp nhận, kiểm tra tin báo qua đường dây nóng các trường hợp vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Mặc dù vậy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số trường hợp vi phạm khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do đó, trong thời gian tới. việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về vấn đề này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa.

Ngọc Thúy (Quảng Ninh Portal)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác